Thiền và việc giữ gìn chánh niệm trong cuộc sống


https://hoitho.vn/thien/hieu-ve-thien/thien-va-viec-giu-gin-chanh-niem-trong-cuoc-song/
Thiền nếu chỉ gói gọn trong việc ngồi thiền thì quả là một thiếu sót lớn cho những ai muốn nhờ đến phương pháp này để giúp tâm mình được an ổn, trong lặng hơn. Mục đích của thiền là đem đến cho người thực tập sự tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm, có mặt trọn vẹn trong hiện tại. Chỉ khi ngồi thiền, bạn mới cố gắng kiểm soát vọng tưởng và làm tâm mình dịu lại; trong khi đó, bạn lại để những suy nghĩ không đầu không cuối quấy nhiễu hiện tại màu nhiệm của mình thì chắc hẳn sẽ rất khó để chúng ta đạt được sự tự do nội tâm và hạnh phúc đích thực của đời mình. Do đó, ta phải đưa thiền vào trong từng khoảnh khắc, từng hành động của mình trong đời sống để tạo nên những thay đổi diệu kỳ.
Có một danh từ mà Phật giáo dùng để chỉ sự nhận thức và thấy biết rõ ràng của con người trong mỗi giây phút hiện tại về những gì đang có mặt, đang xảy ra, đó là chánh niệm. Việc giữ gìn chánh niệm cũng không khác nào việc chúng ta thực tập thiền trong cuộc sống. Trước tiên, bạn phải ý thức về điều này trong tâm trí của mình. Từ một ý thức rõ ràng, ta mới có sự thay đổi trong mỗi hành động, lời nói. Giữ gìn chánh niệm là việc chúng ta dồn toàn bộ tâm trí mình vào việc mình đang làm, cố gắng kiểm soát các vọng tưởng. Từ trước tới nay, dù làm bất kể việc gì, bạn cũng dễ dàng nghĩ sang các vấn đề khác không liên quan. Công việc đó được làm trong sự vô thức, theo phản xạ tự nhiên và bạn chẳng hề có mặt khi thực hiện công việc. Giờ đây, bạn phải nhận diện chúng, không chạy theo vọng tưởng. Bạn đưa mình trở lại những gì đang hiện hữu thực sự trong hiện tại và làm việc trong sự ý thức cao độ. Có như vậy, chúng ta mới thoát khỏi mọi sự phiền nhiễu và những tác động tiêu cực mà vọng tưởng đem lại.
Chánh niệm cũng đồng nghĩa với việc ta nhìn nhận mọi sự vật, sự việc trong mọi hoàn cảnh như là chính nó. Điều này nghe qua tưởng chừng hơi vô lý. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta vẫn thường áp những hiểu biết, kinh nghiệm, đánh giá, thậm chí là định kiến cá nhân vào bất kỳ ai hay điều gì ta bắt gặp. Một chiếc bánh ngọt có thể hấp dẫn với người này nhưng lại là điều kinh khủng với người khác. Công việc quét dọn trở nên tầm thường trong con mắt của một nhà kinh doanh thành đạt nhưng lại là niềm mơ ước của những người bần cùng, thất nghiệp. Thực tế, chẳng có điều nào là đáng yêu hay đáng ghét, đáng làm hay không đáng làm, quan trọng hay không quan trọng. Tất cả chỉ cho thấy sự phân biệt của chúng ta. Vì thế mà yêu ghét, trọng khinh,… khởi lên làm điên đảo tâm người. Khi chúng ta coi tất cả mọi sự đều cùng một bản thể như nhau và do lẽ duyên sinh mà hiện hữu thì ta mới thực sự sống đúng với chánh niệm. Chánh niệm giúp cho chúng ta không còn phân biệt và làm bất kể việc nào cũng với một sự chú tâm chân thành. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự sống và tận hưởng từng phút giây của đời mình.
Bạn cần thực hành chánh niệm ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ thời điểm nào, khi bạn làm bất kể công việc gì. Chánh niệm có mặt khi bạn ăn. Từng miếng cơm được nhai thật chậm rãi, từ tốn trong sự tập trung hoàn toàn. Bạn biết mình đang ăn gì, thức ăn đang được nhào trộn ra sao trong miệng bạn. Đó là việc ăn có ý thức, ăn trong chánh niệm. Trước đây, chúng ta vừa ăn vừa nghĩ sang chuyện khác hoặc nói chuyện với ai đó. Như vậy là mất chánh niệm, mất đi sự có mặt thật sự của chúng ta trong việc ăn. Tương tự, khi giặt quần áo, lái xe, học bài, xem phim, đợi xe buýt, nói chuyện, ngay cả khi đang đọc từng trang sách này… tất cả đều cần được làm trong chánh niệm tuyệt đối. Khi đối diện với ai đó hay rơi vào những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, chúng ta cần luyện tập thói quen không đánh giá hay áp đặt những kinh nghiệm, hiểu biết cá nhân để nhận định vấn đề. Hãy nhìn mọi thứ theo đúng bản chất thật của nó mà không làm bạn phát sinh một ý niệm nào. Cái áo là cái áo chứ không phải cái áo đẹp hay xấu. Đồng nghiệp là đồng nghiệp, chứ không phải người này thế này, người kia thế kia. Dù có điều gì tác động nhưng ta không chấp vào, không phân biệt và không cho cái tôi của mình lên cao thì chẳng bao giờ sự bình yên trong tâm mình bị phá vỡ, chánh niệm bị mất đi. Đó chính là bạn đang áp dụng thiền vào trong cuộc sống.
Theo thói quen vô thức, thời gian đầu có thể khá khó khăn cho việc tập trung của một người vào công việc đang làm. Cách tốt nhất để giữ được chánh niệm là bạn vừa làm vừa tập trung vào hơi thở hay đếm các con số. Điều này sẽ giúp cho tâm trí bạn đỡ bị phân tán bởi những suy nghĩ lăng xăng. Cũng giống như ngồi thiền, bạn theo dõi sự vào ra của hơi thở cùng lúc thực hiện các việc khác. Bạn cũng có thể bắt đầu từ việc đếm hơi thở hoặc thậm chí là chỉ nhẩm đếm các số từ 1 tới 10 hay 1 tới 100 mà không theo nhịp thở. Điều nào khiến bạn cảm thấy dễ thực tập và hiệu quả cho sự tập trung của bạn hơn thì tiến hành. Trong quá trình thực hiện, tâm trí bạn bị vọng tưởng lôi đi thì bạn lại bình tĩnh nhận diện và đưa nó về trở lại với hiện tại. Theo thời gian, ta sẽ quen với việc vừa làm vừa chú ý hơi thở hoặc đếm các con số. Vọng tưởng ban đầu sẽ nổi lên nhiều và cảm giác khó có thể kiểm soát được. Dần dần, khi ta đã tạo được những lối mòn mới trong não mình thì việc giữ gìn chánh niệm không còn trở nên khó khăn nữa. Điều quan trọng là bạn phải ý thức về cuộc chiến với vọng tưởng mọi lúc mọi nơi cho đến khi có thể sống hoàn toàn trong chánh niệm.
Bên cạnh ngồi thiền, chúng ta cũng có thể thực tập những phương pháp thiền khác như thiền hành, nằm thiền khi có thời gian rảnh rỗi. Các phương pháp này cũng mang đến hiệu quả không nhỏ trong việc giúp cho tâm trí của trong ta trở nên trong lặng, an lạc hơn. Ngày nay, người ta thường hay sống vội, đi nhanh, chỉ mong cho thật mau để tới đích. Không mấy người nhận ra rằng mỗi bước chân vội vàng đó đánh mất đi sự tiếp xúc của ta với hạnh phúc luôn hiện hữu xung quanh mình. Bởi vậy, khi đi, chúng ta cũng cần đi trong chánh niệm, vừa đi và vừa chú tâm vào từng bước chân chậm rãi của mình. Bạn ý thức được sự tiếp xúc của bàn chân với mặt đất. Như vậy, mỗi bước chân đều thực hiện trong chánh niệm. Mỗi sáng sớm hay buổi tối, bạn dành ít nhất nửa tiếng để thiền hành, bước những bước chân chánh niệm đó. Ban đầu, bạn cũng có thể vừa đi vừa theo dõi hơi thở hoặc nhẩm đếm từng bước của mình. Thực tập này sẽ giúp cho bạn cảm thấy thư thái hơn. Bạn như ngưng đọng trong từng phút giây hiện tại. Cuộc sống lúc này mới thật sự hiện hữu với bạn và rõ ràng, bạn sẽ an lạc hơn với những gì đang có mặt.
Khi nằm, thay vì suy nghĩ mông lung, bạn thả lỏng chân tay, thư giãn mặt và mọi bộ phận trên cơ thể và tập trung theo dõi sự phồng xẹp nơi bụng mình, cũng đồng nghĩa với sự vào ra của hơi thở. Đây chính là thực tập thiền ở tư thế nằm. Lưu ý là bạn cần nằm ngửa thoải mái, hai tay thả lỏng ở hai bên, lòng bàn tay hướng lên trên, hai chân dang rộng tự nhiên, mắt nhắm. Chỉ cần 10 phút như vậy cho buổi trưa thì bạn sẽ có cả chiều làm việc trong tỉnh táo. Tư thế này cũng đưa bạn vào giấc ngủ sâu nhanh chóng vào ban đêm thay vì để mình tự thiếp đi do trí não quá mệt mỏi sau cả ngày vật lộn với vọng tưởng.
Thiền không phải là điều gì xa rời thực tế. Chúng ta cũng không cần gác lại tất cả các công việc vẫn làm thường ngày để dành thời gian cho thiền. Điều cần thay đổi chỉ là khả năng kiểm soát tâm trí và cách chúng ta phản ứng với mọi vấn đề trong cuộc sống để tâm mình luôn được bình yên, an lạc. Trong đó, điều quan trọng hơn cả là chiến đấu để dẹp bỏ mọi vọng tưởng và sống trọn trong chánh niệm, tỉnh thức. Thiền chính là phương pháp hữu hiệu nhất để chúng ta làm được việc đó. Đưa thiền vào từng suy nghĩ, hành động, lời nói của mình dù là nhỏ nhất, bạn sẽ sớm thấy bước chuyển lớn lao trong cuộc sống. Đó là trải nghiệm thực sự mà chỉ có bạn có thể cảm nhận được. Không ai có thể thay bạn làm việc đó. Miễn là bạn phải luôn ý thức thực tập thiền trong mọi phút giây, mọi hoàn cảnh. Hơn hết, hãy thiền ngay bây giờ và ở đây.
Chap Zen

Comments

Popular posts from this blog

Chúng ta chỉ sống có một lần!

Thiền Vipassana là gì? Thiền Vipassana có tác dụng gì cho sức khỏe?