Một sinh viên Việt Nam giàu nghị lực lên báo New York Times
Lâu rồi chả có bài nào để đăng, để đọc và cũng là để chia sẻ. Nay vô tình đọc được nên share...
Đâu đó ngoài kia, nhiều cuộc đời còn cơ cực lắm...
Đâu đó ngoài kia, nhiều cuộc đời còn cơ cực lắm...
(NLĐO) – New York Times ngày 24-5 đăng bài viết mang tên “Lễ tốt nghiệp của năm” nói về Tay Thi Nguyen - một cô sinh viên sư phạm Anh văn năm cuối - nhỏ bé nhưng có ý chí kiên cường, quyết theo đuổi đến cùng ước mơ của mình.
Phóng viên Nicholas Kristof mở đầu bài viết bằng câu: “Tay Thi Nguyen là người mạnh mẽ nhất mà tôi từng gặp, dù em chỉ nặng 43 kg”. Ba lần ngất xỉu trên giảng đường vì nhịn ăn để tiết kiệm học phí nhưng Tay Thi vẫn không bỏ cuộc vì động lực trở thành người tốt nghiệp đại học đầu tiên trong làng luôn thôi thúc.
Tay Thi xuất hiện trên báo New York Times với ý chí kiên cường
Theo bài báo này, Tay Thi (20 tuổi) là con thứ tám trong nhà nông có chín con ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Em đam mê đến trường nhưng ba mẹ không đồng ý, bắt bỏ học từ sau khi em hoàn thành bậc tiểu học để làm nghề giúp việc ở ngoại ô TP HCM
Tuy nhiên, cô bé vẫn nhất quyết đến trường. “Lúc đó, mẹ rất giận em”, Tay Thi kể. Năm lớp 8, mẹ em đốt sách bắt con bỏ học nhưng Tay Thi mượn sách bạn bè và tiếp tục việc học. Nhờ nhóm viện trợ Room to Read cung cấp sách vở, đồng phục, học phí, xe đạp và các chi phí khác, em đã xuất sắc hoàn thành 12 năm học.
Năm học lớp 12, ba mẹ lại đốt sách. Tuy nhiên, Tay Thi vẫn kiên trì đấu tranh và âm thầm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học. Người mẹ phát hiện ra điều này khi Tay Thi xếp quần áo lên thành phố thi. Bà nói rằng chỉ mong con rớt đại học.
Trong khi những sinh viên khác được cha mẹ “hộ tống” đến hội đồng thi thì Tay Thi đi một mình, đêm về phòng trọ nằm thổn thức. Cuối cùng, em đã đậu đại học.
Vào đại học, không được cha mẹ chu cấp tiền ăn ở, học phí nhưng Tay Thi vẫn tằn tiện từng đồng làm thêm để sống. Hè đến, bạn bè về quê, Tay Thi ở lại làm thêm đủ việc, từ việc làm ban ngày trong nhà máy đến phụ quán cháo vịt ban đêm. Có hôm 2 giờ sáng em mới về tới phòng trọ. Đêm giao thừa, Tay Thi thui thủi bắt cua ngoài đồng để kiểm tiền và ngắm pháo hoa từ xa.
Ở thành phố, Tay Thi chỉ tiêu 3,5 USD (khoảng 75 ngàn đồng) - mỗi tuần. Thiếu dinh dưỡng, nhiều lần em ngất xỉu giữa lớp học. Khi giáo sư và bạn bè phát hiện ra em đói ăn và không một xu dính túi, Tay Thi “cảm thấy bị sỉ nhục”. “Em rất buồn vì điều đó nhưng nhìn lại, đó là một bước ngoặt vì thầy cô, bạn bè từ đó thông cảm và giúp đỡ em rất nhiều”, Thi kể.
Tay Thi ở chung phòng trọ với 2 cô gái trẻ, tối ba người cùng ngủ dưới sàn. Vì ngày bận làm thêm nên đêm em tranh thủ học tới khuya và hẹn giờ dậy lúc 4 giờ để học tiếp.
Không những theo đuổi con đường học tập cho riêng mình, Tay Thi còn mang niềm đam mê giáo dục đến giúp những người khác. Em đăng ký khóa học giúp người anh từ một lao động chân tay trở thành thợ cơ khí. Tay Thi khuyến khích em trai thi đại học và giờ đây, cậu trở thành sinh viên năm nhất. Từ đó, cha mẹ em có cái nhìn khác về giáo dục. Giờ đây, họ hiểu và ủng hộ các con.
Hiện Tay Thi đang có nguyện vọng xin về làng quê xa xôi nơi mình sinh ra để truyền đạt kiến thức cho các em nhỏ còn thiếu thốn. “Em muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người. Đó là cách để giúp đỡ trẻ em trong cộng đồng mình”, Tay Thi nói.
L. Thoa (Theo New York Times)
Comments
Post a Comment