CEO Nguyễn Xuân Tài: Hướng đi đúng sẽ quyết định thành công
“Ngay từ khi chuẩn bị vào ĐH, các bạn trẻ cần xác định rõ mình ước mơ điều gì? muốn vươn tới điều gì? Đừng bao giờ để nguyện vọng của mình là của bố hay của mẹ hay chỉ vì chạy theo phong trào của bạn bè. Nếu thích kinh tế cứ học kinh tế, đừng vì bố học bách khoa, con cũng phải vào bách khoa. Tìm hướng đi là bước ngoặt cuộc đời bởi nếu chọn nhầm hậu quả rất lớn. Cuối cùng, khi ra đời bạn sẽ nản chí sớm, thành người sống tàm tạm, chứ xuất sắc không bao giờ có”.
Vâng, các bạn trẻ phải tự tìm hiểu, tự định hướng tương lai cho mình
“Tôi chưa bao giờ và sẽ không muốn làm thuê cho bất cứ ai ngoài bản thân mình, bởi trong tôi có “máu” doanh nhân khởi nghiệp”. Đó là lời khẳng định của Nguyễn Xuân Tài, Tổng giám đốc Naiscorp (CEO) – người từ chối bắt tay với Google, từ chối bản hợp đồng “béo bở” trị giá 25 triệu USD, cùng với tiền bạc, nhà cửa, xe cộ… chỉ để thỏa sức đam mê, nghiên cứu công nghệ.
“Điếc không sợ súng”
Còn nhớ năm 2009, khi Forbes – tạp chí hàng đầu thế giới về kinh doanh, tài chính tiết lộ phi vụ “gã khổng lồ” Google mời Naiscorp (doanh nghiệp non trẻ với 5 sáng lập viên là cựu sinh viên tốt nghiệp ĐH Bách khoa – Hà Nội) hợp tác đã gây làn sóng xôn xao trong giới công nghệ thông tin. Càng ngạc nhiên hơn số tiền đề xuất lên tới 25 triệu USD nếu sáp nhập là một phần của Google quốc tế. Ngoài số tiền “khủng”, mỗi thành viên sáng lập cũng sẽ nhận mức lương 8.000 USD/tháng, cùng với các ưu đãi khác về nhà ở, xe cộ và điều kiện làm việc.
CEO Nguyễn Xuân Tài nhớ lại: “Đây không phải là một cuộc bắt tay hữu nghị với cờ và hoa mà thực sự một cuộc chiến đấu và đấu trí căng thẳng. Chúng tôi đã phải đứng trước sự lựa chọn liệu có bán đi công nghệ Việt mà chúng tôi đã nghiên cứu hay không? Và nếu không thì hậu quả gì sẽ xảy ra? Nếu về với Google, cả đời sẽ không lo cơm áo gạo tiền. Còn nếu ở lại VN, chúng tôi phải bắt tay từ con số 0, chưa biết thành bại ra sao. Tuy nhiên, ước mơ tuổi trẻ, niềm tự hào dân tộc, rồi còn những dự định dang dở, chúng tôi đã quyết định trả lời câu hỏi ấy theo cách của mình”.
“Chúng tôi xác định sự tồn tại và phát triển của công ty là khát khao vươn lên của thế hệ trẻ và là sự tự hào của trí tuệ Việt Nam”
Ngay từ năm thứ 2 đại học, Tài đã hiểu được tầm quan trọng của KHCN trong thời hiện đại. Những người bạn có cùng niềm đam mê đã thấy rằng KHCN sẽ giúp VN phát triển nhanh.
Năm 2006, ra trường, Tài và các bạn đã quyết định tiếp tục đầu tư vào các nghiên cứu trong trường ĐH và phát triển thành sản phẩm để phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, DN KHCN là một mô hình không dễ thành công, đặc biệt là chọn hướng khởi đầu bằng công nghệ càng khó khăn gấp trăm lần. Để thành công cần phải thực sự kiên trì.
Tài kể: “Mặc dù, internet có đông người dùng thật đấy, nhưng chẳng ai muốn bỏ tiền trả tiền cho DN. DN không có lãi, không thể tái đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi gặp không ít khó khăn về tài nguyên liên quan đến tra cứu, tham khảo. Thực tế tìm kiếm những tài nguyên đã được nhà nước đầu tư nghiên cứu, DN chẳng biết tham khảo ở đâu và ai đã làm cái gì? Đúng là “điếc không sợ súng”, cứ nghĩ khắc đi, khắc đến, sức trẻ cộng với niềm đam mê, hoài bão, chúng tôi vừa nghiên cứu khoa học vừa phát triển công nghệ”.
Nắm được mã nguồn mở, Tài và các cộng sự đã làm chủ phát triển và sáng tạo được công nghệ riêng của mình, tạo điều kiện cho công ty phát triển bền vững.
Hướng đi quyết định thành công
Bốn năm, sau sự kiện Google, trước mặt chúng tôi là một CEO chững chạc hơn, chín chắn và đầy bản lĩnh trước sóng gió thương trường. Trước thông tin, cổng thông tin tìm kiếm socbay.com thất bại vì không cạnh tranh được với Google, CEO 30 tuổi bày tỏ: “Chúng tôi xây dựng socbay.com và phát triển các sản phẩm khác không phải vì mục đích cạnh tranh với Google mà là xây dựng thành công công nghệ của người Việt phục vụ người Việt”.
Khi được hỏi có nuối tiếc với quyết định từ chối hợp tác với Google, không một chút do dự, Tài một mực trả lời không, bởi: “Trong tôi có máu của doanh nhân khởi nghiệp. Tôi không thể làm công nhân và không đi làm cho bất kỳ ai ngoài bản thân mình. Với khả năng của mình, tôi có thể giúp đời bằng việc tạo ra việc làm và cơ hội cho người khác. Quan trọng là mình chọn cửa nào cống hiến cho xã hội một cách tối đa nhất”.
Tài cho biết, từ năm 2011, hướng đi của Naiscorp đầu tư nhiều hơn vào các phần mềm ứng dụng cho thiết bị di động, công cụ tìm kiếm cho điện thoại di động. Ứng dụng dành riêng cho điện thoại di động Socbay iMedia do Naiscorp phát triển hiện đã đạt tới 8 triệu lượt tải và 1,4 triệu thành viên. Gần đây nhất, là ứng dụng đọc báo miễn phí News grid (lưới tin). Không chỉ mang lại tiện ích cho người sử dụng, đây còn là ứng dụng hỗ trợ đọc tin tức offline giúp tiết kiệm pin cho thiết bị và là ứng dụng duy nhất có thể đọc tin trên máy bay không cần sóng điện thoại. Tới đây sẽ là ứng dụng đọc tin trên điện thoại. “Chúng tôi xác định sự tồn tại và phát triển của công ty là khát khao vươn lên của thế hệ trẻ và là sự tự hào của trí tuệ VN. Dịch vụ đa phương tiện ứng dụng trên ĐTDĐ của Naiscorp sẽ được phát triển thành những sản phẩm “nhanh nhất, rẻ nhất, tiện lợi nhất đáp ứng nhu cầu của người sử dụng luôn thay đổi”, Tài chia sẻ.
Theo Nguyễn Xuân Tài, các bạn trẻ muốn thành công, đừng chờ tới lúc tốt nghiệp ĐH mới khởi nghiệp. Tài bày tỏ: “Ngay từ khi chuẩn bị vào ĐH, các bạn trẻ cần xác định rõ mình ước mơ điều gì? muốn vươn tới điều gì? Đừng bao giờ để nguyện vọng của mình là của bố hay của mẹ hay chỉ vì chạy theo phong trào của bạn bè. Nếu thích kinh tế cứ học kinh tế, đừng vì bố học bách khoa, con cũng phải vào bách khoa. Tìm hướng đi là bước ngoặt cuộc đời bởi nếu chọn nhầm hậu quả rất lớn. Cuối cùng, khi ra đời bạn sẽ nản chí sớm, thành người sống tàm tạm, chứ xuất sắc không bao giờ có”.
Kinh nghiệm thương trường, đã cho CEO Nguyễn Xuân Tài một bí quyết: ngoại ngữ là hệ số nhân cho thành công. “Tốt nghiệp giỏi, không có ngoại ngữ khả năng thành công chỉ một nửa. Nhưng nếu bạn giỏi một, có thêm ngoại ngữ thành công sẽ nhân ba. Tôi là một người bình thường giống như nhiều người khác, nhưng nhờ tiếng Anh đã mở ra cả một cánh cửa mới. Ở ĐH, tôi tự học và tự nghiên cứu tất cả tài liệu bằng tiếng Anh. Khi ra đời, tiếng Anh giúp tôi thể hiện bản thân, hiểu đối tác. Và không có tiếng Anh, tôi không thể đến Mỹ có cuộc thương thảo với Google”, Tài thổ lộ và bộc bạch: “Việt Nam hiện nay chưa có thành tựu gì xuất sắc. Tôi mong muốn thế hệ trẻ dấn thân hơn nữa, có cái gì đó chất hơn. Các bạn hãy đầu tư trí tuệ, thời gian nghiên cứu công nghệ bắt kịp thời đại, sáng tạo theo cách riêng của mình. Nếu không, đất nước mình cứ nghèo mãi. Đến một lúc nào đó, tài nguyên sẽ cạn kiệt, chủ yếu dựa nhập khẩu hoàn toàn. Nếu không đầu tư cho công nghệ gốc, công nghệ lõi, chúng ta suốt đời phụ thuộc vào người khác”.
Comments
Post a Comment